Phụ Trang Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Buồn Vui Với Thầy Cô và Bạn Bè

Go down

Buồn Vui Với Thầy Cô và Bạn Bè Empty Buồn Vui Với Thầy Cô và Bạn Bè

Post  Admin Tue Oct 27, 2020 6:56 am

BUỒN VUI VỚI THÀY, CÔ VÀ BẠN BÈ - Nguyễn Trần Trác - NT 57

Bây giờ đã là năm thứ hai mươi của thế kỷ 21 và người viết đã ở rất xa ,về khoảng cách và thời gian, với cậu bé ấy ngày đầu tiên cậu tới nhận lớp học ở trường trung học Nguyễn Trãi, Sài Gòn. Đó là lớp Đệ Thất B3, trường Nguyễn Trãi niên khoá 1957-1958). Khi đó trường còn học nhờ buổi chiều ở trường tiểu học Lê Văn Duyệt, trên đường Phan Đình Phùng, nhìn xéo sang bên kia đường là Nha Phát Thanh, một toà nhà kiến trúc khá đẹp thời ấy. Thời gian đó vì thiếu phòng ốc nên trường chỉ có ban đệ nhất cấp, dạy tới lớp đệ Tứ, mỗi cấp có bốn lớp, ký hiệu là B, B2, B3 và B4. Ở bậc đệ nhất cấp chưa có phân ban thế mà không hiểu tại sao tên các lớp đều có thêm ký hiệu B, như ban B của bậc tú tài?

Trường có hai dãy nhà chính bằng gạch, lợp ngói, đúng quy cách trường học xây từ thời Pháp. Ở dãy gần đường Phan Đình Phùng, vốn dùng làm dãy văn phòng của trường tiểu học, nên trường Nguyễn Trãi chỉ mượn được một phòng duy nhất ở cuối dãy. Đó chính là lớp Đệ Thất B3 của chúng tôi. Dãy nhà gạch bên trong tiện nghi nhất thì dành cho các lớp đệ Ngũ, đệ Tứ. Ngoài ra, phía sau trường, về phía đường Tự Đức, là một dãy phòng lợp tôn dành cho các lớp đệ Thất khác và các lớp đệ Lục. Do thiếu phòng học nên văn phòng trường, kiêm văn phòng Hiệu Trưởng, kiêm phòng giáo sư, là một gian phòng nhỏ, lợp tôn, được làm thêm, ở cạnh đầu dãy giữa. Bây giờ nghĩ lại thấy thương quý thầy, những buổi chiều hè phải ngồi làm việc, nghỉ ngơi trong căn phòng chật hẹp, nóng bức ấy. Nhất là thầy Hiệu Trưởng, vì thường xuyên thầy phải ngồi làm việc ở cái văn phòng nhỏ bé, chật chội này.

Thời gian đó, hiệu trưởng là thầy Vũ Đức Thận, vốn tốt nghiệp sư phạm trường đại học Đông Dương ở Hà Nội. Thầy người tầm thước, hơi gầy, luôn nghiêm nghị và tới trường bao giờ cũng vận một bộ complet trắng. Đúng là hình ảnh của một nhà sư phạm đáng kính thời xưa. Thầy là tác giả cuốn sách Vạn Vật lớp đệ Tứ mà thời đó được xử dụng rộng rãi ở các trường trung học ở Sài Gòn nhưng thầy không trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Bọn nhóc chúng tôi đối với thầy vừa kính, vừa sợ, đang đi trên hành lang thấy thầy từ xa đi ngược lại thì "kính nhi viễn chi" đi vòng qua lối khác. Thầy làm hiệu trưởng tới năm học 1960-1961 khi chúng tôi lên đệ Tứ thì về hưu. Bạn nào có tấm hình của thầy Vũ Đức Thận cho ban biên tập mượn để in trong bài viết này thì thật quý quá.

Như đã nói ở trên, lớp đệ Thất B3 của tôi nằm trong một góc ba tó, ở đầu dãy phòng phía gần đường Phan Đình Phùng, cách biệt hẳn các lớp học khác ở dẫy thứ hai bằng một khoảng sân rộng nên rất yên tĩnh và hầu như chỉ trong lớp chơi với nhau , ít khi có dịp "vượt biên" băng qua sân sang bên kia. Cuối hành lang là chỗ để xe của một số giáo sư. Thời đó nhiều thầy đi dạy bằng xe đạp, các thầy nhà
xa trường thì dùng xe gắn máy của Đức hay xe mobylette của Pháp, cũng có thầy đi Vespa hay Lambretta.

Lớp Thất B3 của tôi đầu năm học có 59 nhóc. Năm đó, chúng tôi còn phải học cả hai ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Anh. Tiếng Pháp thì ba xí ba tú đã học một chút ớ tiểu học, còn tiếng Anh thì bắt đầu học từ "ây ", "bi", "si". Các thầy phần nhiều còn trẻ, một vài thầy đã đứng tuổi như thày Quỳ dạy Anh văn, người cao lớn, đi dạy bằng chiếc xe Lambretta, thầy Thịnh Del, dạy vẽ , thầy Tiến (nhạc sĩ Chung Quân) dạy nhạc. Thầy Quýnh dạy Toán, Thầy Hoạt dạy Việt văn. Kỳ thi đệ nhất bán niên bài luận của tôi được điểm cao nhất và được thầy Hoạt đọc cho cả lớp nghe. Mấy chục năm sau, một anh bạn từ Mỹ về chơi làm tôi ngạc nhiên khi nhắc với tôi bài luận văn này. Tụi nhóc chúng tôi mới từ tiểu học lên, không còn bị thầy "kềm kẹp" tưng ly từng tí như ở các lớp Nhì, lớp Nhất, mà học mỗi môn một thầy, ...thoải mái , tự do ... nên nhiều nhóc chưa quen, đâm ra chơi nhiều hơn một tí, học ít đi một tí. Một vài nhóc, sau khi có kết quả kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, nhìn điểm môn này môn kia, mới giật mình vội "quay đầu về núi" sám hối, tu tỉnh và vươn lên được. Nhiều nhóc khác thì sa sút hẳn so với thời tiểu học.
Vì cuối hành lang là chỗ để xe ưa thích của nhiều thầy nên tụi nhóc Thất B3 biết được nhiều thầy dạy lớp trên và đôi khi "sự biết được" ấy cũng khá hồi hộp. Một buổi trưa đầu buổi học, một nhóc tì đệ Thất B3 bất thần từ trong lớp phóng ra hành lang để băng ra sân thì một chiếc Lambretta đang chạy ngon trớn trên hành lang thắng rít lên, ngừng lại kịp. Đó là xe của thầy H. Đ. Hạnh. Cậu bé hoảng hồn đứng sững lại giữa hành lang nhìn thầy sợ sệt, trong khi thầy thì, với cặp kính trắng , nhìn trò một cách nghiêm khắc. Cậu bé bạn tôi lúc đó chắc sợ lắm nhưng không thấy thầy nói gì nên chạy đi chơi tiếp. Đó là ấn tượng đầu tiên của cậu học trò đệ thất là tôi với thầy H. Đ. Hạnh. Sau này có một thời gian thầy là hiệu trưởng trường Văn Hoá Quân Đội trên đường Thống Nhất và sau đó thầy được chuyển về làm hiệu trưởng trường Trung Học Nguyễn Trãi khi trường đã về trường sở mới ở đường Trịnh Minh Thế, Khánh Hội. Hiện thầy vẫn ở ngôi nhà ở địa chỉ cũ, nhưng đã được xây lại, đẹp hơn, trên con đường nhỏ ở gần chợ Tân Định.

Nhà tôi ở khoảng giữa đường Chi Lăng, giữa ngã tư Phú Nhuận và chợ Bà Chiểu. Mỗi buổi trưa khoảng 12 giờ đã cắp cặp đi học, vì phải đi bộ. Từ nhà, tôi theo đường Chi Lăng đi về phía chợ Bà Chiểu, tới ngã ba gần dinh Tỉnh Trưởng thì rẽ phải, qua Lăng Ông, đi tuốt tới cầu Bông (cây cầu nổi tiếng mà tụi nhóc tì vẫn nheo nhéo hát theo điệu của một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Ai đang đi ...trên cầu Bông,... té xuống sông ....ướt hết quần ni-lông..ừ ư..... Anh sẽ đưa em về ... anh sẽ đưa em về...). Tới rạp Casino Dakao thì rẽ trái, đi theo đường Đinh Tiên Hoàng, qua rạp chiếu bóng Assam, qua trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tới ngã tư giao nhau với đường Phan Đình Phùng thì rẽ phải, đi tiếp vài
trăm mét thì tới trường Nguyễn Trãi. Chiếc bảng tên Trường Trung Học Nguyễn Trãi được để một bên, bé hơn, thấp hơn chiếc bảng đề tên Trường Tiểu học Lê Văn Duyệt để ở chính giũa. Kể lể dài dòng như vậy để các bạn cựu học sinh Nguyễn Trãi từ lâu xa quê có thể nhớ lại phần nào Sài Gòn cũ thủa "ngày xưa còn bé".
Hè năm đệ Thất, tôi được lãnh học bổng toàn phần của năm là 3600 đồng (học bồng toàn phần 400 đồng/ tháng, bán phần 200 đông/ tháng. Cuối năm học lãnh một lần cho 9 tháng . Nhờ có khoản học bổng này tôi mua được một chiếc xe đạp "xịn", giá 1050 đồng, mà tôi xử dụng tới năm thứ ba đại học. Thật tuyệt vời, mồi trưa thong dong đạp xe tới trường thay vì lội bộ mấy cây số dưới trưa hè nắng gắt! Tôi lên lớp đệ Lục B3 trong niềm vui mới ấy. Thầy Tô Đình Hiền năm ngoái dạy Công Dân và Đức Dục thì năm nay dạy hai môn Việt Văn và Công Dân. Các môn học khác đều có thầy mới phụ trách, trừ hai môn Nhạc và Vẽ, trong bốn năm đệ nhất cấp đều do thầy Chung Quân và thầy Thịnh Del phụ trách (dạo học Nguyễn Trãi, chẳng trò nào biết tại sao thầy lại có chữ Del ở sau tên thực, sau tìm hiểu mới biết khi thầy thi tốt nghiệp ở trường Mỹ Thuật Đông Dương, thầy đỗ thủ khoa. Từ "Del" là để chỉ vị trí thủ khoa trong kỳ thi này, không rõ viết tắt từ chữ gì, của ngôn ngữ nào. Nếu bạn nào rõ thì xin chỉ giáo)

Từ năm học này, Bộ Giáo Dục chủ trương thay đổi về học ngoại ngữ. Học sinh chỉ được học một ngoại ngữ. Đa số chọn tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, chỉ một số rất ít trò chọn Hán văn, như các bạn ở lớp tôi Nguyễn Đức Quang (nickname: Điền Bá Quang, Điền Bá Láp, hiện là thần dân của Nữ hoàng Anh), Nguyễn Mạnh Côn vẫn ở VN). Thầy Tô Đình Hiền vào lớp, mắng mấy trò này một trận "Thời buổi này phải chọn Anh Văn, ai đời lại đi chọn Hán Văn!". Vì vấn đề chọn ngoại ngữ này nên học trò các lớp được sắp xếp lại, một phen "tan đàn xẻ nghé".
Lớp đệ Lục B3 chúng tôi học ở dãy phòng cấp bốn lợp tôn, sát đường Tự Đức. Thầy dạy nhiều môn nhất trong năm học này là thầy Bùi Thái Trừu, dạy ba môn: Vật lý, Hoá học và Vạn vật. Ngoài tiếng Anh là ngoại ngữ, tụi nhóc chúng tôi cũng được học thêm mỗi tuần một giờ chữ Hán với cụ Tú Anh. Cụ đỗ tú tài trong một kỳ thi hương năm nào đó thời còn hệ thống thi cử hán học. Thời gian này, các phong trào hiệu đoàn còn mới mẻ và thầy Tô Đình Hiền được cử làm Hiệu đoàn trưởng. Hầu như năm nào, lớp nào cũng có làm bích báo. Chẳng nhớ có đề cử hay bầu bán gì không mà năm đó tôi là đầu tầu, "chủ nhiệm kiêm chủ bút " của tờ bích báo lớp đệ Lục B3, với sự cộng tác nhiệt tình của nhóc tì Phạm Văn Hà với vai trò "họa sĩ" của tờ báo, tha hồ cho cu cậu vẽ vời, trang trí. Nhưng khi hô hào viết bài thì chỉ có một hai nhóc gửi vài chuyện cười, khiến cho ngài chủ bút phải è cổ ra viết hết mục này tới mục khác để điền vào chỗ trống. Xong được mục nào thì hai ngài, chủ bút và họa sĩ , hí hửng khen lẫn nhau. Nhóc P. V. Hà bảo: bài viết của cậu có thêm hình vẽ của tớ hay hẳn hơn lên đấy. Ngài chủ bút gật gù tán thành. Ấy
thế mà cuối cùng tờ bích báo cũng kín đầy bài vở, hình ảnh, được trịnh trọng treo lên tường. Cả lớp xúm vào xem, bình luận loạn xạ. Được một, hai hôm rồi chẳng còn nhóc nào thèm lưu ý tới nó nữa.

Năm học này trò Trác bị hai sao quả tạ. Quả tạ thứ nhất chỉ gây liểng xiểng, còn quả tạ thứ hai thì "hút chết". Câu chuyện về quả tạ thứ nhất như sau: Trong lớp phần lớn các trò đều nhận thấy có sự bất hoà giữa thầy T. Đ. Hiền dạy Việt văn và thầy Phạm Ch dạy Anh văn. Thầy Ch khi đó là giáo sư dạy giờ và đang học trên đại học. Việc dạy học có lẽ chỉ là phương tiện sống để thầy tiếp tục việc học ở đại học. Trường Nguyễn Trãi những năm đó, vào cuối học kỳ hai của năm học, dành cho ban giáo sư mỗi lớp quyền góp ý về hành vi của học sinh. Nếu một giáo sư trong lớp ghi ý kiến phản đối khen thưởng một học sinh thì em đó sẽ bị truất bỏ mọi khen thưởng cuối năm, dù là học sinh giỏi của lớp. Học kỳ hai năm ấy trò Th. nhất môn Anh văn. Trò này tính hiền lành nhưng cục, dễ nổi nóng. Một hôm trong giờ Việt văn của thầy T. Đ. Hiền, chẳng biết Th. bị thằng bạn bên cạnh chọc phá gì đó nên nổi cục, đấm cho thằng bạn một cú. Nào ngờ bị thầy Hiền trông thấy. Đánh nhau trong giờ học là một tội rất nặng nên thầy Hiền rất tức giận, ghi ý kiến phản đối khen thưởng trò Th. Hôm sau, đến giờ tiếng Anh, Mr. Phạm Ch. thấy trò Th., nhất môn tiếng Anh của mình, bị thầy T. Đ. Hiền ghi ý kiến phản đối khen thưởng thì bực lắm và chẳng biết thầy suy nghĩ thế nào mà mở sổ tìm xem trò nào nhất môn Việt văn của thầy Hiền và ghi ý kiến phản đối. Khổ nỗi trò nhất môn Việt văn của thầy Hiền lại là trò Trác. Tới giờ dạy hôm sau của Mr. Phạm Ch., trò Trác dơ tay xin hỏi "Thưa thày, em thấy trong sổ thầy ghi phản đối khen thưởng ở chỗ tên em, không biết có gì nhầm lẫn không ạ?". Thầy Ch. xác nhận "Không, tôi không nhầm đâu". Thế là trò đành thua. (Tới giờ, đã trải qua 52 năm dạy học, thỉnh thoảng nhớ lại chuyện này tôi vẫn không hiểu được thầy Phạm Ch. )
Quả tạ thứ hai thì nặng hơn nhiều, khiến trò Trác "hút chết" nhưng xin thôi không kể, sợ dài dòng .

Các bạn lưu ý là từ đầu tới giờ, tôi chỉ nhắc tới các thầy mà chưa hề nhắc tới các cô, lý do là thời gian đó, trường Nguyễn Trãi chỉ có các nam giáo sư, chưa có nữ giáo sư giảng dạy. Năm học 59-60, chúng tôi lên lớp đệ Ngũ B3, học ở phòng thứ hai của dãy chính, ngó nghiêng ra cửa lớp là thấy văn phòng thầy Hiệu trưởng. Học tới đệ ngũ rồi thì không còn hoàn toàn là "nhóc tì" nữa, nghịch thì vẫn nghịch nhưng đôi khi lơ tơ mơ biết mơ mộng. Năm học này thầy Hà Đạo Hạnh là giáo sư hướng đẫn của lớp và dạy chúng tôi bốn môn là Toán, Vật lý, Hoá học và Vạn vật. Thầy được học sinh đặt nickname là thày "Hạnh gầy". Dạy Việt văn là thày Đặng Ngọc Hạnh, có nickname là thày "Hạnh béo", (để phản biệt với thầy Hạnh gầy chứ thực ra thầy cũng chỉ đầy đặn hơn thầy Hạnh gầy một chút chứ không phải là béo). Chúng tôi cũng được học lại với thầy Diệu, đã dạy chúng tôi ở lớp đệ thất B3.

Trong năm học này không nhớ có sự kiện gì đặc biệt mà trường tổ chức cho tất cả các lớp thi làm bích báo vào dịp Tết. Vẫn hai trò đứng vai trò đầu tầu là trò Trác về bài vở, và trò Hà về trang trí, nhưng có sự hướng dẫn khích lệ của thầy H. Đ. Hạnh nên các bạn chịu khó tham gia nhiều hơn. Tờ bích báo của lớp đệ Ngũ B3 năm ấy lấy tên là Xuân Việt. Tôi không nhớ rõ có đạt giải nào không.
Hoạt động hiệu đoàn thì tụi nhóc rất khoái nhưng khổ nỗi không phải thầy nào cũng ủng hộ. Một trong những thầy không ưa mấy công tác hiệu đoàn là thầy Đ. N. Hạnh (thầy tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương) nên thầy có chút ác cảm đối với mấy trò ham làm báo, làm bổ (học thì không lo học chỉ đâm đầu vào bích báo). Thậm chí, thi đệ nhất bán niên, trò Trác được điểm cao nhất nhưng khi trả bài thi thầy nói như cảnh cáo "Tôi cho anh điểm cao nhất vì không có bài nào khá hơn", thầy ngụ ý là "anh đừng tưởng là anh giỏi" (ngày xưa các thầy giáo miền Bắc thường gọi học trò là các anh, chị, không gọi một cách thân mật là các em như các giáo sư trẻ sau này). Tuy nhiên dần dần thầy nhận thấy trò này cũng là một thằng bé chăm chỉ, và nhất là trong kỳ thi bán niên thứ hai, tôi lại nhất môn Việt văn thì thầy không còn ác cảm gì nữa với việc "không lo học mà chỉ lăng nhăng làm báo" của tôi .

Trong chương trình Việt văn năm đệ Ngũ, chúng tôi được học tác phẩm Chinh Phụ Ngâm (các bạn học sinh Nguyễn Trãi sau 1975 chắc không có được cái may mắn học tác phẩm này). Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng chúng tôi đã có thể cảm nhận được cái buồn bã trước cảnh chia ly của người chinh phụ và người chinh phu qua những câu:
"Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hon ai"
Và thấm thía trước nỗi thê lương của cảnh chiến trường
"Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn"

Cùng lớp với tôi có Đặng Bằng, hai thằng khá hợp tính tình, thỉnh thoảng vẫn cùng nhau tâm sự vụn. Đ. Bằng có ba người em học cùng cấp (có lẽ do việc di cư nên Bằng học trễ) là Đặng Sẩng, Đặng Duật, Đặng Vũ. Sau khi học xong tú tài,
Đặng Bằng xung phong đi biệt kích. Sau một trận đụng độ, thân xác bạn đã nằm lại trận địa. Bạn đã không về, như câu thơ cổ mà ngày xưa, khi còn là cậu học trò Nguyễn Trãi, bạn đã từng ngâm nga: Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi".
Đặng Sẩng học xong Võ bị Đà Lạt, nghe nói có tên trong danh sách sẽ đi học tại Mỹ. Nhưng khi được tạm phân về đơn vị, trong trận đụng độ đầu tiên với địch, Sẩng đã hy sinh. Đặng Duật, Đặng Vũ cũng trong quân ngũ và chỉ rời đơn vị khi đã trở thành các thương binh. Có lẽ trong thế hệ chúng tôi, ít gia đình nào đã hy sinh xương máu quá nhiều cho cuộc chiến tranh tương tàn vừa qua như gia đình Đặng Bằng (một người anh của Đặng Bằng, anh cả, cũng ở trong quân đội nhưng trong ngành tâm lý chiến nên được an toàn qua cuộc chiến tranh).

Chúng tôi lên lớp đệ Tứ B3 năm học 1960-1961. Đây là năm học đặc biệt quan trọng vì cuối năm học chúng tôi phải thi văn bằng tốt nghiệp bậc trung học đệ nhất cấp. Cũng từ năm học này, trường Nguyễn Trãi được phép mở lại bậc học Tú tài (bị cắt bớt từ năm di cư từ Hà Nội vào). Lớp đệ Nhất, lấy học sinh từ các trường ngoài vào, là các thí sinh tự do hay học sinh trường tư mới đỗ tú tài phần một, nằm ở phòng đầu tiên dãy giữa, nhìn vào hông văn phòng trường. Năm học này thầy Vũ Đức Thận về hưu, hiệu trưởng kế nhiệm là thầy Phạm Đăng Châu, tương đối trẻ, từ Vĩnh Long đổi về. Lễ khai giảng đầu năm học được tổ chức rất long trọng với sự tham dự của ông Bộ trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Các học sinh đều mặc lễ phục quần tây trắng, áo sơ- mi trắng, xếp hàng nghiêm chỉnh theo từng lớp. Có ban quân nhạc yểm trợ. Sau lễ chào cờ là màn giới thiệu trường và ban Giáo sư với Bộ trưởng.

Năm đệ Tứ này, chúng tôi được học toán với thầy Nguyễn Huy Quán. Thầy giảng bài nhỏ nhẹ nhưng rất mạch lạc, cho làm bài nộp đều đặn, luôn luôn chấm, trả, sửa bài đúng hạn. Chúng tôi cũng được gặp lại thầy Quỳ, thầy Quýnh (đã được học ở lớp đệ Thất B3, gặp lại thầy B. T. Trừu (đã dạy ở lớp Luc B3), và thầy Đ. N. Hạnh (đã được học ở lớp Ngũ B3). Dạy Việt văn là thầy Nguyễn Tri Tài, hậu duệ của Tổng Đốc thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương. Giờ Việt văn đầu tiên, thầy hiệu trưởng Phạm Đăng Châu đích thân dẫn thầy Tài tới lớp giới thiệu một cách trịnh trọng: thầy Tài là bạn tôi, đang làm luận văn cao học tại đại học Văn khoa... Sau này, chúng tôi công nhận thầy hiệu trưởng giới thiệu thầy Tài không quá đáng vì khi giảng về chuyện Kiều, thầy cứ thao thao bất tuyệt.
Điểm đặc biệt là năm học này là lần đầu tiên tụi "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" chúng tôi được học với một nữ giáo sư. Vào giờ học thứ năm của một buổi chiều trời sắp đổ mưa, phòng học đã phải bật đèn thì thầy Tùng, giám thị lớp đệ Tứ, vào lớp giới thiệu vị giáo sư mới, phụ trách môn Công Dân Giáo Dục. Đó là cô An Hà
Châu. Cô còn rất trẻ và đẹp, đi dạy luôn mặc áo dài trắng. Trong giờ học của cô, các cậu học trò đều trở nên nghiêm chỉnh, kể cả mấy đứa ưa quấy phá. Hình như cô chỉ dạy ở Nguyễn Trãi vài niên khoá rồi thuyên chuyển theo nơi công tác của chồng. Nhiều năm sau, cô về dạy học ở Nha Trang. Một buổi hết giờ dạy ra về, cô đang đi trên hè phố thì một chiếc xe Zeep quân đội tấp vào lề, hai người sĩ quan còn trẻ nhảy xuống xe tiến tới chào. Thấy cô ngạc nhiên, hai người vội giải thích: thưa cô, tụi em ngày xưa học với cô ở trường Nguyễn Trãi Sài Gòn, lớp đệ Tứ, năm học 60-61.
Với thầy N. H. Quán, nhiều năm sau 1975, tôi có cái duyên tết năm nào cũng được đến chúc tết và mừng tuổi thầy. Thầy vẫn ở ngôi nhà cũ trên đường Lê Đại Hành, gần trường đua Phú Thọ, cho tới ngày tạ thế.

Thầy Chung Quân sau này tiếp tục học thêm, lấy xong bằng cử nhân tại Đại học Văn khoa, thầy xin được học bổng du học tại Mỹ. Lấy xong bằng Ph. D, thầy về nước và năm 1973, được bổ nhiệm giảng dạy ở Đại Học Huế. Sau 1975, các thầy cô ở Đại học Huế ,cũng như ở Sài Gòn hay Cần Thơ đều phải trải qua các đợt học chính trị do các cán bộ ngoài Bắc vào giảng về cuộc "kháng chiến chống Mỹ cứu nước". Sau phần thuyết giảng của cán bộ là phần thảo luận của các học viên, trong đó, thầy Tiến (tức nhạc sĩ Chung Quân) góp ý rằng cuộc chiến vừa qua chỉ là nội chiến giữa hai miền Nam, Bắc. Mặc các ý kiến khác bài bác, thầy vẫn giữ nguyên quan điểm. Nghe nói, ít lâu sau đó, thầy được cho nghỉ giảng dạy. Thầy trở về sống nhàn tản ở Sài Gòn và mất năm 1988.
Qua kỳ thi trung học đệ nhất cấp, bắt đầu một ngã rẽ cho một số bạn bè. Một vài bạn như Trần Văn Trương, thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm để ra làm giáo viên tiểu học. Bạn Trương sau học thêm ở Đại Học Văn Khoa, lấy xong bằng cử nhân tiếng Anh và lên giảng dạy tiếng Anh tại Đại Học Võ Bị Đà Lạt. Bạn Trương đã mất khi vào hạn tuổi năm ba (bốn chín chưa qua năm ba đã tới)

Lên đệ Tam, vì thiếu phòng trường chỉ mở một lớp Tam B và một lớp Tam A, do đó một số bạn phải chuyển sang học Chu Văn An ở quận 5 hoặc Võ Trường Toản, đối diện sở thú. Tôi được xếp vào lớp đệ Tam B. Ban giáo sư của lớp phần nhiều còn trẻ. Đứng tuổi nhất là thầy Minh, dạy Việt văn, vừa dạy Nguyễn Trãi vừa kiêm nhiệm hiệu trưởng trường trung học bán công Hoài An nên lúc nào cũng thấy thầy có vẻ vội vã. Sau này thầy được bổ nhiệm Chánh Sở Giáo Dục tình Gia Định. Các thầy dạy Toán, Lý, Hoá, Vạn vật đều mới tốt nghiệp ĐHSPSG. Đặc biệt, năm học này chúng tôi được học ngoại ngữ với hai giáo sư nữ, cô Trợ dạy Pháp Văn, cô Kim Phụng dạy Anh văn. Hai cô đều trẻ đẹp. Trong khi cô Trợ có vẻ đẹp rất Huế, thì cô K. Phụng lại có vẻ đẹp rất Sài Gòn. Năm học này tôi học thêm mấy môn
chính của lớp đệ Nhị để thi nhẩy Tú Tài một nên trong học kỳ hai, vài buổi có trốn học để ôn thi. Một buổi, thấy lớp Tam B khá vắng, thầy giám học, GS Tạ Văn Ru vào điểm danh. Hôm sau thầy vào lớp đọc tên từng em vắng mặt ngày hôm trước để cảnh cáo. Khi đọc tới tên tôi thầy ngừng lại, nói: Anh Trác mà cũng trốn học cơ à!
Sau khi đỗ Tú tài một, tôi vào gặp thầy Ru xin vô lớp đệ Nhất. Thầy rất vui khi biết tôi thi đỗ nhưng khuyên tôi sang học bên Chu Văn An (không thể học ở Nguyễn Trãi vì Bộ cấm học nhẩy ), tôi đành giã từ trường trung học Nguyễn Trãi, sang xin học bên Chu Văn An. Tôi được xếp vào học lớp đệ Nhất B4, niên khoá 62-63, học buổi chiều.

Rất nhiều năm sau tôi tình cờ được đọc một đặc san của trường Trung học Tân An, thấy trong danh sách giảng dạy có GS Phạm Đăng Châu, hỏi thăm một anh bạn trước có dạy trường ấy thì anh cho biết “ổng” từ Sài Gòn đổi về. Tôi cứ phân vân không biết có phải là nguyên hiệu trưởng Trung học Nguyễn Trãi SG thời tôi học Nguyễn Trãi hay không?

Mới đây, tôi nhận được video Nguyễn Trãi 57 họp mặt. Tôi mừng quá mở ra xem hy vọng được thấy tụi bạn Nguyễn Trãi 57 cũ. Khung cảnh buổi họp khá sang trọng, người dự đông đúc. Tôi nhìn kỹ từng khuôn mặt nhưng chỉ thấy toàn các cụ ông, khoảng 75 hay 76 tuổi. Có cụ phương phi, béo tốt, có cụ "mình hạc, xương mai", lại có vài cụ để râu nữa chứ. Đâu rồi các cậu bạn Nguyễn Trãi 57 của tôi ngày ấy! Những cậu bé mắt sáng, môi tươi, nụ cười rạng rỡ .Tôi cũng thấy trong buổi họp mặt danh sách các bạn Nguyễn Trãi 57 đã sớm từ giã cuộc chơi. Kìa Lê Đình Các, cậu bạn ngồi cùng bàn, cạnh tôi, ở lớp đệ Tứ B3, kìa Hoàng Văn Viêm, kìa Đặng Bằng, Đặng Sẩng, Đặng Duật, kìa Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Thiệu Quang,.. Bạn Trần Xuân Trương của tôi cũng đã mất nhưng không thấy tên trong danh sách này. Trong số hơn 230 cậu bé trúng tuyển vào trường Trung học Nguyễn Trãi năm 57 ấy, đã có ít nhất 43 bạn từ bỏ cuộc chơi ngắn ngủi ở thế gian này để rong chơi ở một cảnh giới khác. Chẳng biết các cậu ở bên ấy thỉnh thoảng có họp mặt và nhắc tới chúng tớ không?

Nguyễn Trần Trác- NT57
[/font][/b]

Admin
Admin

Posts : 21
Join date : 2012-12-02

https://trunghocnt.board-directory.net

Back to top Go down

Back to top


 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum